Xin thẩm duyệt hồ sơ PCCC, bước xin cấp phép phòng cháy chữa cháy và là điều kiện cần để hoạt động công ty, doanh nghiệp. An toàn về phòng cháy chữa cháy giúp bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, quan trọng hơn cả là bảo vệ được tính mạng của người lao động.
Xin thẩm duyệt hồ sơ PCCC là gì?
Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là quá trình mà một cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác minh tính khả thi của giải pháp và nội dung thiết kế liên quan đến an toàn phòng cháy và chữa cháy trong các dự án xây dựng, công trình và phương tiện giao thông. Quá trình này đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định liên quan đến PCCC trong pháp luật Việt Nam hoặc các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng tại Việt Nam theo các quy định pháp luật hiện hành.
Dựa trên kết quả của việc thẩm duyệt thiết kế PCCC, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có căn cứ để cấp phép xây dựng hay quy hoạch, phê duyệt dự án.
Đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế PCCC bao gồm
- Đồ án quy hoạch xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,…;
- Các dự án, công trình khi thực hiện xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến các yêu cầu an toàn về PCCC dựa theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP;
- Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về an toàn PCCC quy định tại mục 21 của Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP, khi được chế tạo mới hoặc cải tạo ảnh hưởng đến các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm c khoản 5 của Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Thủ tục yêu cầu thẩm duyệt PCCC
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Nộp 01 bộ hồ sơ theo hướng dẫn cho cơ quan có thẩm quyền;
- Có thể nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa, trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công, hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
- Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thành phần và tính hợp lệ;
- Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, tiếp nhận và ghi thông tin vào Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC03);
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc hợp lệ, cán bộ cần hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thông báo kết quả xử lý hồ sơ
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa, cán bộ tiếp nhận giao Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp hồ sơ và lưu 01 bản.
- Trường hợp nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công, gửi thông báo qua thư điện tử, tin nhắn điện thoại về việc tiếp nhận hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ.
- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, cán bộ tiếp nhận gửi Phiếu tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước đó và lưu 01 bản.
Nếu hồ sơ không đủ điều kiện, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản từ chối giải quyết hồ sơ.
- Lưu ý: Người nộp hồ sơ phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, và xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Thời hạn thẩm duyệt thiết kế PCCC
Thời hạn thẩm duyệt thiết kế về PCCC được quy định cụ thể như sau:
- Đồ án quy hoạch xây dựng: Tối đa 5 ngày làm việc;
- Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình: Tối đa 5 ngày làm việc;
- Thiết kế cơ sở: Tối đa 10 ngày làm việc đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A; tối đa 5 ngày làm việc đối với các dự án khác;
- Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công: Tối đa 15 ngày làm việc đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án và công trình nhóm A; tối đa 10 ngày làm việc đối với các dự án và công trình khác;
- Tối đa 10 ngày làm việc đối với các thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về PCCC.
Thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế PCCC
Quy định xin thẩm duyệt hồ sơ PCCC được quy định cụ thể như sau:
Cục Cảnh sát PCCC được quyền thẩm duyệt thiết kế trong các trường hợp sau đây:
- Các dự án và công trình mang tầm quan trọng quốc gia; dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, không phân biệt nguồn vốn đầu tư; loại trừ công trình có chủ đầu tư cấp tỉnh;
- Những công trình có chiều cao trên 100 m;
- Công trình xây dựng trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
- Các phương tiện đường thủy có chiều dài từ trên 50m sử dụng để vận chuyển chất lỏng, khí dễ cháy, vật liệu nổ hay hóa chất nguy hiểm; vận chuyển hành khách;
- Các dự án đầu tư xây dựng công trình do Phòng Cảnh sát PCCC cấp tỉnh đề nghị.
Phòng Cảnh sát PCCC Công an cấp tỉnh có thẩm quyền duyệt thiết kế trong trường hợp sau đây:
- Các đồ án quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất; quy hoạch đô thị và các khu chức năng khác dựa trên Luật Quy hoạch;
- Dự án và công trình không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý, và những trường hợp được Cục ủy quyền.
- Phương tiện giao thông cơ giới không thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát PCCC và những trường hợp được Cục ủy quyền có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn quản lý.
Lời kết
Việc xin thẩm duyệt hồ sơ PCCC là một quy trình quan trọng để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy cho các dự án và công trình. Tạo ra sự tin tưởng và an tâm cho chủ đầu tư và cộng đồng rằng công trình sẽ được xây dựng và hoạt động trong một môi trường an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của mọi người. Nếu còn thắc mắc gì liên quan, vui lòng liên hệ với Gỗ Việt để giải đáp nhé!